Một số chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá (11-10-2015)

Trước khi có Quyết định 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ cảng cá, bến cá đến năn 2020 tầm nhìn đến 2030 được ban hành, nhiều cảng cá, bến cá đã được đầu tư xây dựng, bước đầu hình thành các cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản.
Một số chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá

 Chính sách phát triển cảng cá

Trước khi có Quyết định 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ cảng cá, bến cá đến năn 2020 tầm nhìn đến 2030 được ban hành, nhiều cảng cá, bến cá đã được đầu tư xây dựng, bước đầu hình thành các cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản. Trong giai đoạn này nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ Chương trình Biển Đông-Hải đảo, ngoài ra còn có một số cảng cá được đầu tư bằng nguồn vốn trung ương qua Bộ (Cà Ná, Hạ Long, Nhà Bè, Thọ Quang, Thuận An) và nguồn vốn ODA (trong đó: vốn vay ADB đã đầu tư 10 cảng cá 71,4 triệu USD, vốn không hoàn lại của Nhật Bản đầu tư cảng cá Cát Lở 23 triệu USD).

Triển khai thực hiện Quyết định số 346/QĐ-TTgngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, vốn ngành thủy sản được bố trí từ ngân sách trung ương thực hiện đầu tư cho các cảng cá là 307 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn bố trí đầu tư các cảng cá khoảng 1.907 tỷ đồng (bao gồm: Ngân sách Trung ương bố trí tập trung qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 307 tỷ đồng; vốn ODA khoảng 400 tỷ đồng; vốn Chương trình Biển Đông – Hải Đảo khoảng 1.200 tỷ đồng), đạt 31.6% so với nhu cầu (6.229 tỷ đồng) quy hoạch đến 2015. Đến nay cả nước có 83 cảng cá trong đó có 20 cảng cá loại 1 đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng (đạt khoảng 66,4% số cảng theo quy hoạch). có khả năng đáp ứng cho 1,7 triệu tấn sản phẩm qua cảng/năm.

Trong giai đoạn 2015-2018, Ngân hàng Thế giới đang đầu tư nâng cấp 17 cảng cá với tổng mức đầu tư là 30,202 triệu USD thông qua dự án CRSD và nguồn vốn từ các địa phương. Theo quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ đến năn 2020, toàn Quốc có 125 cảng cá gồm: 35 cảng loại I và 90 cảng cá loại II, đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2.250.000 tấn/năm.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

Thực hiện Quyết định 135/2001/QĐ-TTg ngày 19/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, từ 2002 đến 2005 vốn trung ương hỗ trợ đầu tư là 109,9 tỷ đồng. 

Ngày 08/11/2005 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 288/2005/QĐ-TTg điều chỉnh quy hoạch  khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, Từ 2006 đến 2010 vốn trung ương hỗ trợ đầu tư là 245 tỷ đồng, vốn dự án Quản lý rủi ro thiên tai WB 4 (tổng vốn 299 tỷ đồng).

Triển khai thực hiện Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là 1.911 tỷ đồng, đạt gần 30% so với nhu cầu (6.393 tỷ đồng) của quy hoạch đến 2015.

Lũy kế vốn ngân sách trung ương đầu tư đến hết 2015 là 2.319,9 tỷ đồng/6.393 tỷ đồng (đạt 36,3%); Vốn ngân sách địa phương giải phóng mặt bằng và đầu tư một số hạng mục dịch vụ hậu cần được bố trí khoảng 200 tỷ đồng. Đã hoàn thành 60 khu neo đậu tránh trú bão (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đầu tư 11 khu; tỉnh quản lý đầu tư 49 khu) với công suất khoảng 42.131 tàu neo đậu theo yêu cầu (đạt 50,5% so với quy hoạch), hiện đang thực hiện đầu tư 20 khu neo đậu tránh trú bão (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đầu tư 02 khu; tỉnh quản lý đầu tư 18 khu) với công suất khoảng 11.100 tàu neo đậu.

Theo quy định, năm 2015 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2015 về công bố khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cả nước có 39 khu, trong đó có 14  khu cấp vùng cho 11.930 tàu cá, 25 cấp tỉnh đáp ứng cho 14.200 tàu cá.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Chính phủ, đến năm 2020, cả nước có 124 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm 20 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng và 104 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 83.960 tàu cá.

Chính sách đầu tư phát triển đội tàu khai thác xa bờ

Ngày 9/6/1997 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 393/1997/QĐ-TTg về vay vốn tín dụng để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ, giai đoạn hỗ trợ từ 1997-2000. Đây được coi là chính sách mang tính đột phá trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Với việc hỗ trợ lãi suất cho vay và nguồn vốn vay được bố trí từ ngân sách nhà nước đã tạo cú huých làm thay đổi nhận thức của ngư dân chuyển dịch từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, từ một số lượng tàu xa bờ ít ỏi ban đầu đến nay chúng ta đã có đội tàu khai thác xa bờ lớn mạnh. Cụ thể: Tổng kinh phí hỗ trợ ngư dân khoảng 1.300 tỷ VN; Số tàu được hỗ trợ đóng mới có công suất từ 90CV trở lên: 1.365 tàu. Chương trình đã tạo được lực lượng tàu cá lớn đánh bắt xa bờ, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ. Tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống ngư dân. Nhờ có chính sách này, đến nay cả nước đã phát triển được trên 31.000 tàu cá có công suất trên 90CV.

Do việc tổ chức sản xuất thiếu tính đồng bộ, việc cho vay đóng tàu khai thác xa bờ chưa tính đến cho vay để mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị, chưa chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, chưa đào tạo đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên, hệ thông thông tin liên lạc, công tác dự báo ngư trường chưa được triển khai, tổ chức sản xuất chưa hiệu quả chưa tạo thành một chuỗi liên hoàn từ khai thác, dịch vụ, chế biến và tiêu thụ theo quy mô sản xuất mới, do vậy các dự án gặp khó khăn trong thu hồi được vốn do hiệu quả thấp.

Ngày 15/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1787/QĐ-Tg về việc thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép có công suất lớn, trang bị hiện đại tại Quảng Ngãi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tích cực để triển khai để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, sau hai năm quyết liệt triển khai, không có tàu nào được đầu tư đóng mới theo chính sách này. Lý do: quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như lãi xuất vẫn ở mức cao; vốn tín chấp để được vay vốn người dân phải có từ 20 -25% giá trị con tàu, trong khi người dân đã bỏ vốn đối ứng từ 20 -30 % giá trị con tàu và lệ phí đăng ký, đăng kiểm rất lớn người dân vẫn phải chịu.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm trong việc ban hành và triển khai các chính sách trong việc hỗ trợ phát triển ngành thủy sản, ngày 07/7/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Đây là chính sách đồng bộ trên cơ sở của 05 nhóm chính sách chính lớn: Chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; Chính sách tín dụng cho khai thác thủy sản  bao gồm: chính sách dài hạn phục vụ việc đóng mới, nâng cấp tàu cá với thời gian, lãi suất, điều kiện, mức vay đặc biệt ưu đãi; chính sách vay vốn ngắn hạn hỗ trợ vốn lưu động cho các chuyến biển được hưởng lãi suất ưu đãi thấp thất trong chương trình vay nông  nghiệp nông thôn; Chính sách thuế được miễn giảm nhiều so với các lính vực sản xuất, kinh doanh khác; Chính sách bảo hiểm: hỗ trợ 100% bảo hiểm tai nạn thuyền viên, mức phí bảo hiểm được hỗ trợ cao hơn gấp 3 lần mức phí thông thường; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu; Một số chính sách khác: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động sử dụng tàu vỏ thép, vật liệu mới tàu ứng dụng công nghệ khai thác mới vào sản xuất; hỗ trợ kinh phí duy tu bảo dưỡng tàu vỏ thép; hỗ trợ chi phí cho tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ.

Đây là chính sách được Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương liên quan đặc biệt quan tâm trong thời gian chưa đến  2 tháng kể từ khi Nghị định được ban hành đến khi Nghị định có hiệu lực đã có 8 thông tư, hơn 10 quyết định của hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và của Ngân Hàng nhà nước được ban hành; trong 8 tháng triển khai Nghị định Thủ tướng Chính phủ đã có hai Hội nghị để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đến nay, đã có 25/28 tỉnh phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá. Số tàu đăng ký đóng mới là 672 tàu, trong đó: Tàu vỏ thép 294 chiếc, vật liệu mới 47 chiếc và gỗ là 331 chiếc; Tàu có công suất từ 400 đến dưới 800 cv là 260 chiếc, tàu từ 800 đến dưới 1000 là 360 chiếc, tàu từ 1000 cv trở lên là 52 chiếc; Tàu làm nghề câu 118 tàu, nghề lưới rê là 143 tàu, lưới vây là 211 tàu, nghề chụp là 115 tàu và dịch vụ là 85 tàu; Đến hết ngày 05/6/2015, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng đóng mới nâng cấp được 64 tàu, số tiền cam kết giải ngân là 614 tỷ đồng, đã giải ngân được 155 tỷ đồng; Việc vay vốn tín dụng ngắn hạn đã được thực hiện tại 7 tỉnh H, QN, BĐ, TG, PY, BTr, KG là 27 tỷ đồng; Phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ 63,2 tỷ/6.310 tỷ đồng giá trị/2.555 tàu trên 90CV; thuyền viên được bảo hiểm là 30.428 người.

 Việc triển khai Nghị định còn một số tồn tại: Nhiều nhóm chính sách trong Nghị định 67 chưa được triển khai như chính sách đào tạo chuyển giao công nghệ, chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho tàu dịch vụ hậu cần... Hiện nay, nhiều loài hải sản di cư xa di chuyển sang phía Tây của vùng biển Thái Bình Dương nên một số loài chủ lực trong vùng biển Đông bị suy giảm nên hiệu quả khai thác giảm;

Tàu được đầu tư với nguồn vốn lớn nhưng chỉ tập trung ở vỏ và máy tàu chưa có sự thay đổi về công nghệ khai thác, sơ chế và bảo quản sản phẩm trên tàu nên chưa thay đổi được năng suất, chất lượng sản phẩm trên tàu; Giá bán hải sản liên tục giảm, trong khi đó nhiên liệu và vật tư đầu vào lại luôn tăng.

Với các tồn tại trên, dẫn đến nhiều phương án sản xuất kinh doanh không hiệu quả ảnh hưởng đến việc thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng của ngân hàng thương mại.

Về nguyên nhân khách quan, theo quy luật biến đổi khí hậu nguồn lợi,  hiện tượng Elino làm nước biển nóng lên, nhiều loài cá di cư xa, có trữ lượng lớn, có giá trị cao di chuyển sang phía Tây của vùng biển Thái Bình Dương. Hiện tượng Elino hiện nay đang ở đỉnh điểm và sẽ suy yếu dần trong những năm tiếp theo và nguồn lợi phục hồi lại.

Về nguyên nhân chủ quan: Nhiều địa phương chỉ tập trung chỉ đạo triển khai chính sách vay vốn đóng tàu chưa quan tâm chỉ đạo, thực hiện các chính sách khác; Do trình độ văn hóa của ngư dân thấp, nên khó tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong khai thác và bảo quản sản phẩm; Quá phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch Trung quốc, Nhiều ngư dân sử dụng chất bảo quản cấm vào để bảo quản sản phẩm, gây mất niềm tin trong sử dụng sản phẩm thủy sản khai thác tự nhiên, mất thị trường tiêu thụ nội địa.

 Phạm Ngọc Tuấn

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác